Đô thị hóa nhanh, thiếu quỹ đất là duyên cớ nảy sinh mô hình nông nghiệp trên cao như là một động lực sản xuất nhiều thực phẩm hơn và giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Trên tầng thượng của trung tâm mua sắm hoặc chung cư cao tầng, vào một ngày cư dân đô thị bỗng phát hiện ra một mảng màu xanh mát mắt xen lẫn các loại rau quả rực rỡ như cà tím, hương thảo, chuối và đu đủ…Chúng nổi bật và tạo ra một sự tương phản giữa những tòa nhà chọc trời màu xám trơ chọi của các khu thương mại, dân cư sầm uất của đảo quốc sư tử Singapore.
Mô hình nông nghiệp trên cao của công ty Edible Garden City ở Singapore. Ảnh: SMU
Tại một khu đất rộng 930 mét vuông trên tầng thượng của một khu dân cư đông đúc là một trong rất nhiều trang trại thu nhỏ ở Singapore-nơi người dân ở quốc gia đói không gian này đang muốn “tự cung tự cấp” một phần thực phẩm của địa phương và giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.
Nhận thấy sự xuất hiện ngày một nhiều của mô hình nông nghiệp đô thị kiểu mới, chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đã ngay lập tức đánh tiếng ủng hộ, vun vào trong bối cảnh những lo ngại về biến đổi khí hậu làm giảm năng suất cây trồng trên khắp thế giới. Ngoài ra những căng thẳng trong thương mại toàn cầu cùng với đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu lương thực- thực phẩm cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Samuell Ang, giám đốc điều hành của mạng lưới Edible Garden City (tạm dịch là trang trại Vườn phố), một công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa trực tuyến cho biết: “Quan niệm sai lầm phổ biến là không có không gian để trồng trọt ở Singapore vì chúng tôi khan hiếm đất đai. Và chúng tôi muốn thay đổi câu chuyện này".
Mô hình nông nghiệp trên cao vẫn đang là xu thế phát triển ở nhiều thành phố đông đúc trên khắp thế giới, tuy nhiên tại đảo quốc Singapore, nơi người dân phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu thực phẩm thì động lực để tạo ra các trang trại trên mái nhà là đặc biệt cấp bách.
Theo các chuyên gia, nghề nông đã từng rất phổ biến ở đảo quốc sư tử nhưng đã giảm mạnh kể khi đất nước 5,7 triệu dân phát triển thành trung tâm tài chính ở châu lục và hiện chỉ còn chưa đầy 1% diện tích quỹ đất dành cho nông nghiệp.
Năm 2019, chính phủ Singapore cho biết, đang xây dựng mục tiêu tự cung cấp khoảng 30% "nhu cầu dinh dưỡng" cho người dân vào năm 2030, trong đó đặc biệt thúc đẩy các hoạt động nuôi cá và trứng gia cầm cũng như rau quả.
Mô hình trồng rau trên mái nhà cũng phát triển mạnh tại Hồng Kông kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ảnh: GGHK
Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, mối lo ngại xảy ra khủng hoảng an ninh lương thực- thực phẩm ngày càng gia tăng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chính phủ Singapore lại càng muốn đẩy nhanh các nỗ lực này. Động thái mới nhất là việc giới chức đã tuyên bố dự án biến 9 nóc nhà của các bãi đỗ xe trở thành trang trại trên cao, với nguồn kinh phí 30 triệu đô la Singapore (22 triệu USD) để thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương.
Hiện Edible Garden City đang vận hành 80 mô hình nông nghiệp trên cao ở Singapore và đang tiếp tục vươn tới nhiều khu “vườn thực phẩm” ở những nơi mà chưa bao giờ từng được nghĩ tới, bao gồm cả nhà tù và các mái container hay ban công các chung cư cao tầng. Điều đáng nói là mô hình trang trại của doanh nghiệp này chỉ sử dụng thuốc trừ sâu gốc tự nhiên như tinh dầu của cây neem để xua đuổi sâu bệnh.
"Những gì chúng tôi thực sự muốn hướng đến là truyền đi thông điệp về việc tự làm ra thực phẩm. Chúng tôi muốn nói rằng bạn thực sự không cần những lô đất lớn", Giám đốc Samuell Ang cho biết.
Hiện công ty đang canh tác hơn 50 loại rau củ khác nhau, từ cà tím, đậu bắp đến các loại rau ăn lá, rau gia vị và thậm chí là cả rau mầm hay cây bao tử. Tất cả đều được ứng dụng bằng các phương pháp công nghệ cao và sản phẩm được thu hoạch, đóng gói và giao ngay trong ngày - chủ yếu đến các nhà hàng lớn.
William Chen, giám đốc chương trình thực phẩm, khoa học và công nghệ tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết việc phát triển các trang trại ở thành phố là một "cách để giảm bớt cú sốc do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng".
Ông Chen khẳng định: Mô hình nông nghiệp trên cao ở Singapore chắc chắn là một lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, với những giới hạn về điều kiện tự nhiên khi một đất nước chỉ có diện tích bằng một nửa thành phố Los Angeles của Mỹ thì việc phải phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng chủ lực khác như thịt là đương nhiên.
“Chúng tôi không thể có chỗ để chăn nuôi gia súc hay trồng lúa bởi đất đai là thứ xa xỉ và để phát triển chúng trong điều kiện ở đô thị sẽ rất tốn kém, nếu không muốn nói là không thể", ông Chen nói.
Tại một bãi đỗ container, doanh nghiệp này đang thử nghiệm một hệ thống thủy canh chuyên dụng để trồng rau xanh không cần đất do một công ty Nhật Bản phát triển. Hệ thống được gắn các cảm biến theo dõi những điều kiện và yêu cầu chăm sóc nghiêm ngặt giúp cây trồng phát triển tốt mà không cần đến thuốc trừ sâu.
Kim Long