Để được thưởng thức món nho đen, người tiêu dùng thường phải mua sản phẩm nhập khẩu hoặc từ tỉnh Ninh Thuận. Vậy mà tại Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang lại có loài nho đen không hạt đang sinh sôi phát triển khiến không ít người ngỡ ngàng. Vườn nho này cũng được xếp vào diện "độc nhất, vô nhị" trong cả nước.
Qua một lần trò chuyện, anh Nguyễn Kiên Trung, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tiết lộ: “Mình có một vườn quả trồng dưới bóng mây nhé”. Câu nói của anh khiến tôi tò mò và quyết tìm hiểu. Rất may, gần đây tôi có dịp đến thăm vườn quả ấy tại thị trấn Bích Động (Việt Yên). Hóa ra, "bóng mây" là cách ví von của anh Trung khi nói về những cây nho được trồng dưới mái vòm che. Anh Trung dẫn giải: “Mái che làm bằng ni- lông, có tác dụng như một đám mây, không để ánh sáng trực tiếp chiếu vào cây làm táp lá, tránh mưa lớn, rụng hoa, quả, che sương muối hạn chế sâu, bệnh hại. Mái che được làm theo hình cung vòm có độ dốc để thoát nước, mặt trên căng, phẳng, không đọng nước”.
Khách thăm vườn nho Hạ Đen tại Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang
Tuy nhiên, ấn tượng, thu hút hơn cả là dưới vòm che, những chùm quả chín màu đen tím, mọng có chùm nặng tới cả cân treo lủng lẳng, nổi bật trên nền xanh thẫm của khóm lá khỏe khoắn. Một số chùm vẫn được bọc kín trong túi bao quả. Khi thưởng thức, vị quả ngọt lịm, không hạt, rất hấp dẫn. Toàn bộ số nho này đã được thương nhân đặt hàng, bao tiêu đưa vào siêu thị tại Hà Nội, không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Vì vậy, không ít khách tiếc nuối vì chẳng thể mua về làm quà cho người thân. Một năm, nho được thu hoạch vào mùa xuân và vụ thu đông.
Anh Trung bộc bạch, ban đầu triển khai chúng tôi khá lo lắng bởi nho ưa điều kiện không khí khô, rất khó trồng ở miền Bắc nói chung và Bắc Giang nói riêng. Năm 2017, được sự hợp tác độc quyền chuyển giao công nghệ của Học viện Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) tại Việt Nam cho Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, đơn vị đã ứng dụng thành công.
Đến thời điểm hiện tại, vườn nho Hạ Đen của Trường là duy nhất trong cả nước. Đây là vụ thứ hai trong năm nho cho quả. Hạch toán kinh tế cho thấy, với 3.700 m2, vụ trước thu về gần một tấn quả, vụ thứ hai năng suất tăng hơn, tương đương khoảng 8 tấn/ha, giá bán 120 nghìn đồng/kg; lãi thuần ở vụ đầu gần 46 triệu đồng/sào.
Mở rộng vùng trái ngọt
Ở Bắc Giang, nho được người tiêu dùng ưa chuộng dùng ăn tươi. Lượng nho cung cấp đến người dân chủ yếu từ tỉnh Ninh Thuận và nhập khẩu. Ngoài ra còn có một phần trồng theo quy mô hộ gia đình song chủ yếu là để làm giàn che nắng, quả nhỏ, vị chua. Tuy nhu cầu của người dân về loại quả này khá cao nhưng vẫn còn e ngại bởi giá bán cao và yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước thực tế đó, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đã đề ra mục tiêu nghiên cứu, nhân rộng giống nho chất lượng tại địa bàn. Nho là cây trồng khó tính nên việc trồng không dễ dàng. Để khắc phục bất lợi, nhóm nghiên cứu, thực nghiệm tại trường và đối tác hợp tác đã tìm cách khắc phục. Đó là sử dụng biện pháp căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống. Trên giàn có vòm che, dây thép sử dụng để căng giàn là thép không gỉ. Phủ bạt phần gốc cây, không để cỏ dại mọc, đồng thời giữ ẩm cho đất. Phương pháp tưới cũng được áp dụng công nghệ hiện đại bằng nhỏ giọt.
Để có những chùm quả đều nhau, nhóm thực hành đã tỉa hoa, quả đều 4 phía và ở giữa phía trong chùm quả. Giáo sư Hoàng Giang Lưu, Học viện Nông nghiệp Quảng Tây thông tin: “Quá trình chuyển giao, tôi thường xuyên gắn bó, bám đồng cùng cán bộ của Trường để áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Kết quả, nho Hạ Đen trồng tại Bắc Giang không những cho năng suất cao mà chất lượng cũng ngon, giòn không kém so với trồng tại Trung Quốc. Với đặc điểm không hạt, người sử dụng có thể ăn cả vỏ. Tôi hy vọng giống nho này sẽ được trồng nhiều ở vùng đất nơi đây trong thời gian tới”.
Được biết, nho khá mẫn cảm với một số sâu bệnh thường gặp như bọ trĩ, sâu xanh, sương mai, gỉ sắt, phấn trắng, thán thư. Mức độ nhiễm các loại sâu bệnh hại ở mức trung bình khi trồng trong điều kiện có mái che. Tuy nhiên, để đầu tư trồng nho cần vốn đầu tư hạ tầng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình mới thành công. Anh Trung chia sẻ, Trung tâm luôn đi đầu khảo nghiệm những tiến bộ mới nhằm sớm phổ biến đến bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập từ đồng ruộng. Trước mắt, năm 2019, đơn vị mở rộng vùng trồng nho trên quy mô khoảng một ha tại tỉnh; đồng thời chuyển giao công nghệ cho ba địa phương sản xuất nho Hạ Đen.
Với việc trồng thành công nho Hạ Đen đầu tiên trong cả nước, hy vọng tương lai không xa, trên địa bàn tỉnh sẽ có vùng nho lớn, trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đó, Bắc Giang sẽ có thêm sản phẩm nông sản thế mạnh trên vùng đất vốn nổi tiếng bởi nhiều hoa thơm, trái ngọt.